TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG LÊ TẬP HUẤN KIẾN THỨC, KĨ NĂNG VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM
Cha mẹ thường dạy trẻ nhiều kỹ năng sống như: tự lập trong hoạt động hàng ngày, chia sẻ, làm việc nhóm… nhưng lại quên mất việc giáo dục cho trẻ cách bảo vệ bản thân khỏi xâm hại. Các chuyên gia về trẻ em và giới tính kiến nghị những kỹ năng cần phải giáo dục cho trẻ, đặc biệt là trẻ em tiểu học.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2 000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện. Trong đó có 1 300 đến 1 500 trẻ em bị xâm hại tình dục, xâm hại bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao là 21,3%; gần 60% số trẻ bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Đối tượng gây án không chỉ là những người có nhận thức thấp mà có cả giáo viên, công chức Nhà nước, người cao tuổi, đặc biệt có người làm trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật… Vấn nạn xâm hại trẻ em không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng cả về mặt thể chất và tinh thần đối với trẻ mà còn tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Có nhiều nguyên nhân khách quan khiến vấn nạn này gia tăng. Hàng loạt các vụ cáo buộc xâm hại trẻ em gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ, nhà trường và xã hội về việc bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn này. Trước thực trạng đó, trường Tiểu học Hoàng Lê phối hợp với Phòng Trẻ em và BĐG thuộc Sở Lao động - thương binh và Xã hội tổ chức buổi Tập huấn: “Kiến thức, kĩ năng về phòng chống xâm hại trẻ em” cho 80 học sinh khối lớp 5.
Sau phần khởi động đầy hứng thú, các em được trang bị một số kiến thức về Quyền Trẻ em:
Trong buổi tập huấn, thông qua hoạt động trò chơi, các em được các báo cáo viên trang bị các kiến thức, kĩ năng nhận biết đâu là vùng riêng tư, đâu là vùng kín trên cơ thể của mỗi con người cần được bảo vệ. Đặc biệt học sinh còn nhận thức được không cho ai chạm vào vùng kín của mình cũng như không chạm vào vùng kín của bất cứ ai.
Ngoài ra, 80 học sinh khối lớp 5 của trường còn được hướng dẫn và thực hành 1 số kĩ năng tự vệ khi gặp những người có ý định xấu đối với mình.
Qua buổi tập huấn, 80 học sinh khối lớp 5 của trường đã được cung cấp những kiến thức, những kĩ năng cần thiết về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các em sẽ là những tuyên truyền viên hiệu quả nhất, tích cực nhất tới học sinh trong lớp mình cũng như học sinh toàn trường. Như vậy, buổi tập huấn đã nhằm phối hợp hiệu quả 3 liên kết gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chủ động tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại tình dục trẻ em góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại.
Kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm
Trẻ em thường ngại khi từ chối người khác, đặc biệt là bạn hơn tuổi hoặc người lớn vì sợ hay e ngại bị ghét, bị cô lập và dễ hoảng sợ khi bị dọa nạt…Cần phải dạy trẻ những kỹ năng từ chối người khác, kỹ năng thoát khỏi các tình huống nguy hiểm. Ở nhà, cha mẹ có thể dạy con bằng cách đưa ra các tình huống và hỏi con sẽ xử lý thế nào nếu gặp phải, hướng dẫn con cách xử lý tốt nhất. Ở trường học hiện nay cũng đã tổ chức các buổi chia sẻ, tọa đàm về vấn đề này để trẻ có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia và được hướng dẫn cách thoát khỏi tình huống nguy hiểm.
Dạy trẻ cách nói chuyện với bố mẹ, người thân khi bị xâm hại
Trẻ em biết rõ thủ phạm xâm hại mình là ai. Nhưng vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại. Nói với trẻ rằng con sẽ không gặp phải bất kỳ rắc rối gì nói chuyện với bạn, và hãy làm theo lời hứa này, tránh trừng phạt vì những điều con lên tiếng. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết. Một điều rất hiệu quả trong việc để con thông báo tình huống của mình chính là tạo ra ám hiệu riêng giữa mình và trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ em cảm thấy an tâm hơn khi đối tượng là những người thân thuộc và thường xuất hiện ở nhà của trẻ.
Ngoài việc để trẻ nói ra khi bị xâm hại, cha mẹ nên chú ý đến biểu hiện của trẻ, ví dụ như đột nhiên hoảng sợ khi ai đó chạm vào người, không thích tiếp xúc hay tránh xa những người mà trước đây bé rất quý mến,…chú ý đến hành vi sẽ giúp bố mẹ và nhà trường nhanh chóng phát hiện ra tình huống mà trẻ gặp phải.
Nói cho trẻ biết nguy hiểm có thể đến từ những người quen biết
Nói với trẻ rằng nguy hiểm có thể đến từ bất kỳ đâu: Hàng xóm, người thân, trường học,… – Những người bé yêu quý và tin tưởng. Người Việt thường có thói quen cấu, véo hay sờ những vùng nhạy cảm của trẻ và cho đó chỉ là một hành động bình thường, thế hiện tình yêu thương. Tuy nhiên, đó là một dạng xâm hại trẻ em và có thể khiến trẻ tưởng lầm đó là cách thể hiện tình yêu thương và không nhận ra sự nguy hiểm. Cha mẹ cần kiểm soát ngay những hàng động đó và dặn con thông báo nếu có bất kỳ ai thực hiện động chạm như vậy.
Giáo viên Khối 5