5 cách để học sinh yêu quý giáo viên
Giáo viên là một nghề rất cao quý, vì thế, thầy cô luôn muốn giữ hình ảnh đẹp của mình trong mắt học trò cũng như các bậc phụ huynh. Nhưng làm thế nào để trở thành người giáo viên giỏi, được học sinh quý mến lại là điều không hề đơn giản với thầy cô.
Dưới đây là 5 cách để học sinh yêu quý giáo viên cực hay.
Chẳng hề gì nếu bạn là một giáo viên mới tốt nghiệp đại học, chập chững vào nghề hay bạn là một người đã có rất nhiều năm kinh nghiệm và chuẩn bị về hưu, tôi nghĩ rằng từ sâu thẳm, tất cả chúng ta đều mong muốn học sinh có tình cảm với mình.
5 cách để học sinh không thể không thích giáo viên
Chú ý tác phong
Học trò nào cũng thích thầy cô ăn mặc đẹp, lịch sự, kín đáo, trẻ trung. Tôi thấy các em quan sát rất kĩ, rất tỉ mỉ về cách ăn mặc của thầy cô, đặc biệt của cô giáo. Có em còn khá thần tượng với gu thẩm mĩ tinh tế và đa dạng của cô giáo.
Những hôm cô mặc quần áo mới, quần áo đẹp vào lớp dạy, dường như trong lớp có một không khí mới hơn, vui hơn, hứng thú học hơn (nhưng không có nghĩa là thầy cô không mặc quần áo mới thì hoàn toàn ngược lại).
Tác phong đi lại của thầy cô cũng là một hình ảnh trực quan của học sinh. Với các cô giáo, sự duyên dáng, nhẹ nhàng, trong từng bước đi, thế đứng cũng tác động không nhỏ đến tâm lí học sinh.
Nếu trong không gian yên tĩnh giờ kiểm tra những bước chân thịch thịch, cục cục, cọc cọc của gót giày cũng tác động tới các em (đôi khi khó tránh khỏi). Thầy cô bước đi dề dà, chậm chạp, điệu đà, cũng khiến các em để ý.
Lời nói là phương tiện giao tiếp trực tiếp hàng ngày của thầy trò. Nên chúng ta cũng thận trọng hơn khi giao tiếp với học sinh “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Giáo viên tránh xúc phạm hay miệt thị hoc sinh, tránh thứ ngôn ngữ “chợ búa”, hay nói tục tĩu làm các em tổn thương, hoặc không nể phục. Nếu trong lúc nóng nảy, giáo viên có nặng lời với các em thì đừng ngại nói lời xin lỗi.
Song cần thấy rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng đem ngôn ngữ mĩ lệ, hào nhoáng, lãng mạn ra giao tiếp với các em. Lúc ấy, chúng ta cũng giống như đang diễn kịch. Vậy là từng lời nói của người thầy, người cô cần rõ ràng, mạch lạc, thân thiện, gần gũi. Tránh nói ngọng, nói nhịu, nói sai.
Hành động của giáo viên là những việc làm diễn ra trước mắt học sinh. Giáo viên phải tế nhị, kín đáo, ý tứ. Có những tình huống giáo viên xếch quần, kéo áo, mặc áo ngắn, váy ngắn, nghe điện thoại nói oang oang, ném phấn vào học sinh… đều là những hành động thiếu tế nhị không nên làm trước mặt các em.
Nét mặt của giáo viên biểu lộ trực tiếp thái độ với các em học sinh. Cô giáo có khuôn mặt đẹp, dịu hiền là điều tuyệt vời, nhất là giáo viên dạy văn có khuôn mặt đẹp sẽ tạo ấn với học sinh rất nhiều.
Nếu giáo viên không có khuôn mặt đẹp, nên để ý hơn khi lên lớp: Có thể mỗi khi lên lớp trang điểm một chút, chỉn chu quần áo một chút để thấy mình đẹp hơn, tự tin hơn, các em sẽ thích hơn, đó cũng là cách tôn trọng các em. Nhưng không quá lạm dụng trang điểm lòe lẹt, nhuộm tóc quá đậm mầu… không phù hợp với môi trường sư phạm, môi trường giáo dục.
Thầy cô đẹp sang trọng là đáng quí, đáng khích lệ nhưng phải đúng mực, chuẩn mực, đẹp tinh tế luôn có sức hấp dẫn và tạo được thiện cảm giữa thày và trò.
Phẩm chất, nhân cách
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng giúp chúng ta tự tin để dạy học trò. Tôi biết không ai là người hoàn hảo, nhưng những gì thuộc về đạo đức, nhân cách một nhà giáo chúng ta phải gìn giữ, phải hoàn thiện.
Nếu chúng ta dạy các em phải biết tha thứ mà bản thân chúng ta lại không biết tha thứ cho ai, dạy các em phải biết cảm thông mà bản thân chúng ta lại hay miệt thị người khác, dạy các em phải biết bỏ đi thói ghen tị mà chúng ta lại ghen tị hẹp hòi, hoặc nói với các em là phải biết đối xử công bằng mà bản thân chúng ta đối xử với các em không công bằng… thì chúng ta không thể thuyết phục được học sinh.
Nhân cách, phẩm chất không phải là cái gì cao siêu mà là thái độ sống, hành động, cách ứng xử hàng ngày của thầy cô ở trường, ở nhà, trong tập thể, hay trong đời sống cá nhân của mỗi người.
Tôi nghĩ các em đều biết, đều hiểu. Cũng không phải chỉ với những thầy cô có cuộc đời hạnh phúc mới đủ sức thuyết phục các em, mà chính những thầy cô có cuộc sống nhiều sóng gió, trắc trở lại là câu chuyện xúc động, chân thực để thuyết phục các em, quan trọng là thái độ ứng xử của chúng ta như thế nào, chúng ta nói ra sao?
Tôi tâm đắc với câu nói: Trái tim hoàn thiện nhất là trái tim có nhiều mảnh vá. Với những hành động nhân ái, cử chỉ nhẹ nhàng, thân thiện, chúng ta sẽ đưa học sinh gần chúng ta hơn.
Biết lắng nghe học sinh nói
Nếu chúng ta lắng nghe các em nói, các em sẽ cho ta biết các em thích gì, không thích gì, các em đã hiểu hay chưa hiểu điều chúng ta nói. Giáo viên phải vừa là cha, mẹ, anh, chị, là bạn tâm giao với học trò, khơi gợi và truyền lửa cho sự đam mê và sáng tạo của học trò, đó mới là thành công của người thầy.
Giáo viên phải biết giữ chữ “tín” với học sinh. Nếu thầy cô không giữ chữ “tín” thì không thể có được niềm tin, ấn tượng đẹp trong lòng các em.
Khiếu hài hước, khiếu văn nghệ
Đây là “phương tiện” giúp giáo viên hoà đồng, gần gũi với học sinh hơn, vừa giúp cho giờ dạy bớt căng thẳng, tạo được không khí lớp học thoải mái hơn. Những giáo viên có khiếu hài hước bao giờ cũng tạo được thiện cảm và để lại ấn tượng đối với học sinh, được học sinh yêu mến.
Hoặc giáo viên dạy văn có khiếu văn nghệ như: Hát, ngâm thơ, kể chuyện...là một ưu thế lớn. Bởi vì: Có nhiều bài thơ trong chương trình được phổ nhạc thành bài hát, học sinh thấy thú vị bao nhiêu khi học ca dao mà được nghe thầy cô giáo hát quan họ, học những tác phẩm thơ ca hiện đại được nghe cô giáo hát thành lời.
Hiểu biết tinh tế, nhạy bén về đời sống xã hội
Học sinh cầu toàn ở giáo viên, luôn nghĩ thầy cô là những người có hiểu biết sâu rộng, các em đặt niềm tin rất lớn ở thầy cô. Nên ngoài chuyên môn, nếu giáo viên có hiểu biết sâu rộng kiến thức ở nhưng lĩnh vực khác là rất tốt.
Ví dụ: Thời trang, sinh lí nam nữ, sức khoẻ, làm đẹp, hoặc những thông tin cập nhập về giới trẻ, vấn đề tệ nạn xã hội, nghề nghiệp, giải trí, facebook… có cập nhật được những điều mới mẻ xung quanh cuộc sống, phải đặt mình vào cương vị của các em thì mới “đi” đến được những “góc khuất” của tâm hồn để khơi dạy tình yêu và đam mê ở các em.
ST